Ăn dặm là một trong những giai đoạn quan trọng trong việc phát triển của bé. Đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển đổi từ việc uống sữa mẹ sang việc ăn ngoài. Trong bài viết sau đây, KidsUP sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc cho bé ăn dặm đúng cách và những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm.
Những điều kiện cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm
Để cho bé ăn dặm đúng cách, ba mẹ cần nhận biết được các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng. Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm:
– Bé đã được 6 tháng tuổi
Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của bé. Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển đủ để bắt đầu tiếp nhận các loại thức ăn đặc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi.
– Bé ngồi được vững và giữ đầu thẳng
Khả năng ngồi vững và giữ đầu thẳng cho thấy bé đã có đủ sự kiểm soát cơ thể cần thiết để ngồi trên ghế ăn và nuốt thức ăn mà không gặp nguy hiểm. Điều này cũng giúp bé dễ dàng tập trung vào việc ăn uống mà không bị mất cân bằng.
– Bé có dấu hiệu nhanh đói khi chỉ bú sữa mẹ
Nếu bé bú sữa mẹ thường xuyên hơn nhưng vẫn nhanh đói chính là dấu hiệu cho thấy bé cần nhiều dinh dưỡng hơn những gì sữa mẹ cung cấp. Đây là thời điểm thích hợp để bổ sung các loại thực phẩm dặm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của bé.
– Bé đã có thể nhai và nuốt đồ ăn mềm
Nếu như bạn phát hiện bé đã có thể nhai và nuốt đồ ăn mềm, đây chính là lúc có thể cho bé ăn dặm. Ba mẹ có thể cho bé ăn các loại thức ăn mềm, được nghiền nhuyễn hoặc xay mịn để tránh nguy cơ bị nghẹn.
– Lưỡi bé có phản xạ đẩy giảm dần
Phản xạ đẩy thức ăn bằng lưỡi là một cơ chế bảo vệ tự nhiên của bé, giúp ngăn chặn thức ăn rắn đi vào đường thở. Khi phản xạ này giảm dần, bé sẽ có khả năng giữ thức ăn trong miệng và học cách nuốt, sẵn sàng cho việc ăn dặm.
Mời Ba Mẹ Tham Khảo Thêm:
>> Thực đơn cho bé 3 tuổi phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt
>> Thực đơn cho bé 2 tuổi đầy đủ dưỡng chất mà không lo táo bón, đầy bụng
Hướng dẫn cho bé ăn dặm đúng cách
Vậy làm thế nào để có thể tập ăn dặm cho bé đúng cách? Ba mẹ có thể tham khảo hướng dẫn sau đây để tập cho bé ăn dặm đúng cách!
Về nguyên tắc cần biết để cho bé ăn dặm đúng cách
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản là rất quan trọng để đảm bảo việc nhai, nuốt của bé dễ dàng hơn. Dưới đây là những quy tắc cần áp dụng cho bé bắt đầu ăn dặm:
– Ăn đồ lỏng, không nóng
Các món ăn cần phải có độ lỏng vừa phải để bé dễ nuốt và tiêu hóa. Đồ ăn có thể là bột ăn dặm pha loãng, cháo xay nhuyễn hoặc nước ép rau củ.
Nhiệt độ của thức ăn nên ở mức ấm, gần bằng nhiệt độ cơ thể hoặc hơi ấm hơn. Trước khi cho bé ăn, ba mẹ nên nếm thử trước để kiểm tra độ nòng, nguội đã phù hợp cho con của mình chưa.
– Ăn vừa đủ để trẻ quen dần
Giai đoạn đầu của ăn dặm chủ yếu là để bé làm quen với mùi vị và kết cấu của thức ăn. Do đó, bạn hãy hãy bắt đầu với lượng nhỏ. Ba mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều nếu bé không muốn.
– Ăn đa dạng các thực phẩm nhưng lành tính
Ba mẹ nên đa dạng hóa thực đơn ăn dặm để bé nhận được đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất. Bạn có thể bắt đầu với các loại thực phẩm lành tính như rau củ, trái cây chín, và ngũ cốc nguyên cám. Các thực phẩm này nên được nấu chín mềm và nghiền nhỏ để bé dễ tiêu hóa.
Về cách cho bé ăn dặm
Tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đến những quy tắc khi cho bé ăn dặm đúng cách. Ba mẹ nên tuân thủ các quy tắc sau đây để giúp cho bé ăn dặm an toàn:
– Bắt đầu với lượng nhỏ
Khi mới bắt đầu, ba mẹ nên cho bé ăn với lượng nhỏ và chia thành nhiều bữa trong ngày. Điều này không chỉ giúp con làm quen với cách ăn mới mà còn giúp hệ tiêu hóa của bé làm quen dần.
Sau khi bé đã quen dần, cha mẹ có thể từ từ tăng lượng thức ăn. Tùy thuộc vào sự thèm ăn và khả năng tiêu hóa của bé mà bạn có thể điều chỉnh thức ăn sao cho phù hợp.
– Cho bé ngồi ở vị trí an toàn
Ba mẹ nên đảm bảo bé ngồi ở một vị trí an toàn, tốt nhất là trong ghế ăn có đai an toàn hoặc ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ nhỏ. Vị trí ngồi nên thoải mái và ổn định để bé có thể tập trung vào việc ăn uống mà không bị phân tâm.
Ba mẹ nên cho bé ngồi thẳng lưng và giữ đầu thẳng. Điều này giúp giảm nguy cơ nghẹn khi ăn và giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
– Dùng thìa mềm để cho bé ăn dặm
Ba mẹ nên sử dụng thìa làm từ silicon hoặc nhựa dẻo dành riêng cho trẻ em. Loại thìa này sẽ bảo vệ nướu, răng và lưỡi của bé
Thìa mềm cũng giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi ăn, khuyến khích bé hợp tác và thích thú với việc ăn dặm. Bạn cũng nên chọn thìa có kích thước nhỏ vừa với miệng bé, giúp bé dễ dàng đón nhận thức ăn mà không bị khó chịu.
– Không ép ăn khi bé đã chán
Nếu như bé có dấu hiệu chán ăn như quay đầu đi, ngậm miệng lại,… thì ba mẹ không nên ép bé ăn. Việc ép bé có thể gây ra căng thẳng, dẫn đến việc có cảm xúc tiêu cực khi ăn dặm. Lúc này, ba mẹ hãy kiên nhẫn và thử cho bé ăn lại vào thời điểm khác.
Các lưu ý an toàn khi cho bé ăn dặm
Vậy làm thế nào để ba mẹ cho bé ăn dặm đúng cách và an toàn? Nếu như bạn vẫn chưa có kinh nghiệm cho bé ăn dặm thì cần phải tham khảo các lưu ý quan trọng sau đây:
Phòng tránh và xử lý trẻ bị nghẹn
Nếu bé bị nghẹn, dẫn đến việc ho hoặc khóc, hãy khuyến khích bé tiếp tục ho để tự tống thức ăn ra ngoài. Bạn không nên vỗ lưng khi bé còn đang ho, vì điều này có thể làm thức ăn bị đẩy sâu hơn vào đường thở.
Trong trường hợp bé không ho, khóc thì bạn có thể xử lý:
- Vỗ lưng: Đặt bé nằm sấp trên cánh tay của bạn, đỡ đầu bé bằng tay và đảm bảo đầu bé thấp hơn ngực. Dùng gót bàn tay vỗ nhẹ 5 cái giữa hai bả vai của bé.
- Ép ngực: Nếu vỗ lưng không hiệu quả, đặt bé nằm ngửa trên cánh tay của bạn, dùng hai ngón tay ấn nhẹ vào ngực bé (vị trí dưới xương ức) 5 lần.
- Kiểm tra miệng: Sau mỗi chu kỳ vỗ lưng và ép ngực, kiểm tra xem có dị vật nào được tống ra không. Nếu có, dùng ngón tay để nhẹ nhàng lấy ra.
- Gọi cấp cứu: Nếu các biện pháp trên không hiệu quả và bé vẫn không thở được, hãy gọi ngay cấp cứu và tiếp tục thực hiện các biện pháp sơ cứu cho đến khi có sự trợ giúp từ y tế.
Theo dõi phản ứng dị ứng và cách xử lý
Một trong những vấn đề thường gặp của những bé bắt đầu ăn dặm chính là dễ bị dị ứng. Khi bé bị dị ứng thực phẩm, các triệu chứng có thể xuất hiện rất nhanh, thường là trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn, cụ thể như:
- Phát ban hoặc nổi mề đay: Da bé có thể xuất hiện các đốm đỏ, phát ban hoặc nổi mề đay. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của dị ứng thực phẩm.
- Sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng: Đây là biểu hiện nguy hiểm, đặc biệt nếu sưng ở cổ họng vì có thể gây khó thở.
- Khó thở hoặc thở khò khè: Dị ứng thực phẩm có thể gây co thắt đường thở, dẫn đến khó thở. Đây là dấu hiệu cần được xử lý khẩn cấp.
Nếu bé chỉ có các triệu chứng nhẹ như phát ban, ngứa,… bạn có thể theo dõi bé tại nhà, cho bé uống nước. Nếu bé có dấu hiệu khó thở, sưng phù nghiêm trọng, hoặc ngất xỉu, bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong khi chờ đợi sự trợ giúp y tế, hãy giữ bé ở tư thế ngồi thẳng hoặc nằm nghiêng để dễ thở hơn.
Kết luận
Thông qua bài viết trên, KidsUP đã chia sẻ với bạn những lưu ý quan trọng khi cho bé ăn dặm đúng cách. Lưu ý rằng khi bắt đầu cho bé ăn dặm, ba mẹ cần cho một lượng thức ăn nhỏ để bé làm quen, không nên hấp tấp trong việc dạy bé. Vì đây là giai đoạn rất quan trọng nên ba mẹ hãy chú ý đến những thực phẩm có thể gây dị ứng ở bé.